Sau Tết hầu hết các gia đình thường dư thừa thức ăn khá nhiều, chủ yếu là bánh chưng, thịt gà, giò chả, trái cây… Nếu đã quán ngán ngẩm, đừng vội bỏ đi, chúng ta hoàn toàn có thể biến tấu chúng thành các món ăn ngon, bổ dưỡng lại không ngán.
1/ Bánh chưng, bánh Tét sau Tết còn dư làm gì?
Bánh chưng, bánh Tét là bộ đôi làm nên hương vị của ngày Tết. Hầu như gia đình nào cũng có. Tuy nhiên đây cũng chính là loại thực phẩm dư thừa nhiều nhất sau Tết vì được làm từ nếp, thịt mỡ dễ gây ngán. Nếu nhà bạn còn bánh chưng, hãy thử biến tấu chúng theo các cách dưới đây.
Bánh chưng/bánh tét chiên ăn kèm dưa món, củ kiệu, củ cải
Đây là cách biến tấu bánh chưng, bánh tét phổ biến của nhiều gia đình sau Tết. Từng miếng bánh chưng, bánh tét giòn rụm sau khi chiên, cắn miếng nào giòn dẻo miếng đó, gắp thêm ít củ kiệu, dưa hành, dưa giá hay củ cải chua chua ngọt ngọt mới tròn vị làm sao. Những ai thích thưởng trọn vị giòn rụm, có thể chấm với nước mắm tiêu thơm hoặc ít tương ớt. Bánh vừa dẻo vừa giòn, vị bùi của đỗ xanh, béo của thịt hòa quyện với vị cay của tương ớt… Chẳng thế mà người ta vẫn bảo bánh tét, bánh chưng chiên mới là thứ níu kéo Tết ở lại.
Bánh chưng chiên sốt tép cay
Với cách chiên, chúng ta có thêm phiên bản sốt tép cay thú vị. Cùng thử nhé!
Nguyên liệu:
- Bánh chưng (2-3 cặp tùy lượng ăn)
- 2 muỗng tép khô
- 2 muỗng mè trắng
- Tương ớt hàn quốc 2 muỗng hoặc dùng tương ớt thường
- Một ít hạt nêm
- Sốt Teriyaki nếu có
- Tầm 10 tép tỏi
Cách làm:
Bánh chưng từ tủ lạnh mang ra đi hấp cho mềm. Sau đó cắt đôi hoặc khứa làm tư tùy theo kích thước bánh rồi mang đi chiên giòn với dầu, vớt ra cho vào tô có thấm dầu. Tỏi đập dập rang với mè cùng ít dầu, tiếp đó cho tép khô và các nguyên liệu còn lại vào chảo, thêm 2 muỗng canh nước rồi đảo đều, nêm vừa miệng. Lưu ý bật lửa nhỏ để tránh bị cháy. Bạn có thể thưởng thức bằng cách chấm hoặc rưới sốt lên bánh để thưởng thức.
Bánh chưng nướng
Ngoài chiên giòn, chúng ta có thể nướng bánh chưng. Với nguyên liệu gồm:
- 1 cái bánh chưng
- 4 quả trứng gà
- ½ cây chả lụa
- 100g bột mì
- ½ muỗng canh nước mắm
- ½ muỗng hạt nêm
- 1 muỗng cà phê hạt tiêu
- 10g bơ
Cách làm:
Đầu tiên cho bơ mềm ở nhiệt độ phòng. Cắt bánh chưng thành từng miếng. Đập 2 quả trứng vào tô, nêm nước mắm, hạt nêm đánh đều. Thái chỉ giò lụa. Cho bột mì để trong 1 cái tô riêng. Lấy 1 khoanh bánh chưng lăn qua bột mì cho phủ đều, nhúng vào tô trứng. Chả lụa cũng vậy. Sau đó cho chả lụa xếp lên bánh chưng, rắc ít hạt tiêu mang đi nướng 200 độ C tầm 30p. Có thể phết thêm 1 lớp bơ sau khi nướng tầm 25p cho thơm. Bánh thành phẩm ăn kèm với tương ớt, củ kiệu vị sẽ ngon hơn.
2/ Thịt gà còn dư sau Tết thì làm gì?
Với thịt gà chúng ta có thể làm các món súp với rau củ để cả nhà cùng thưởng thức vào bữa sáng, vừa ngon vừa giải ngấy. Hoặc nếu dư thịt gà nhiều chúng ta có thể xé sợi làm ruốc (dăm bông) để ăn dần tránh lãng phí. Với xương gà có thể dùng để hầm lấy nước dùng nấu canh cho ngọt nước, lại bổ dưỡng, không cần nêm nhiều bột ngọt, không tốt cho sức khỏe.
3/ Giò chả
Giò chả cũng là món thường dư sau Tết. Hầu hết các gia đình sẽ để trong ngăn đông để dùng dần. Ngoài ăn không, chấm tương ớt, làm mồi nhậu thì chúng ta có thể dùng giò chả cắt thành từng miếng mang đi kho với phần cùi dừa vừa ngon vừa thơm lại vừa béo. Hoặc cũng có thể kho tiêu ăn với cơm vô cùng ngon.
4/ Trái cây
Vào dịp Tết người Việt thường mua nhiều trái cây để thờ cúng. Sau khi thờ cúng xong, rất nhiều gia đình vứt bỏ vì ăn không hết. Để tránh lãng phí chúng ta có thể biến tấu trái cây thành nhiều món ngon hấp dẫn. Điển hình như:
Các loại sinh tố (Sinh tố từ chuối, táo, dâu tây)
Thạch trái cây
Kem
Chè bưởi (vỏ bưởi)
Trái cây nhúng socola
Trái cây ăn với sữa chua, yến mạch để đẹp dáng, đẹp da
Lượng thức ăn sau Tết thường dư rất nhiều, bởi người Việt thường có thói quen lo xa, trữ nhiều thức ăn. Sau Tết lại mang đi vứt bỏ vô cùng lãng phí. Để tiết kiệm, với những thực phẩm còn ăn được, còn ngon thì chị em đừng quên biến tấu thành các món ăn khác nhé. Mong rằng những gợi ý trên đã có ích cho chị em mình.