Trong năm ngoài các ngày lễ lớn thì Rằm tháng Bảy được xem là ngày lễ trọng đại trong đời sống văn hóa của người Việt và Châu Á nói chung. Tuy nhiên, rằm tháng Bảy, người ta dễ nhầm lẫn 2 lễ lớn là lễ Vu Lan và lễ xá tội vong nhân (cúng cô hồn), dù cả 2 lễ này đều có nguồn gốc từ Phật giáo.
Rằm tháng Bảy có lễ Vu Lan, được hiểu thế nào?
Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Đại thừa Bắc tông và có nguồn gốc từ truyền thuyết Mục Liên cứu Mẹ. Trong ngày này, người con sẽ dành tất cả lòng thành kính để báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ, các đấng sư trưởng, các bậc tổ tiên. Vào ngày này, người con sẽ làm nhiều việc thiện như cúng dường, phóng sanh làm phước, đi chùa lễ Phật để hồi hướng công đức cho cha mẹ ông bà còn hiện tiền hay đã quá vãng.
Chuyện kể rằng, nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan xuất phát từ câu chuyện kể về câu chuyện Đại đức Mục Kiền Liên dùng lòng hiếu thảo, công phu tu tập của mình mà cứu bà Thanh Đề khỏi địa ngục thống khổ.
Đại đức Mục Kiền Liên là một trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích ca, ngài có tấm lòng hiếu thảo cực kỳ rộng lớn ngay khi cả mẹ Ngài mất đi, Ngài đã dùng phép tìm kiếm khắp đất trời xem mẹ mình đã thoát sanh vào cõi nào.
Không ngờ, kết quả đau lòng khi ngài thấy Mẹ mình đang chịu khổ ở địa ngục, chịu đói khát cực khổ vì những nghiệp ác mà bà đã tạo ra khi còn sống. Quá đau lòng trước cảnh khổ của mẹ, ngài Mục Kiền Liên đã dùng phép thần thông để biến cơm dâng lên cho Mẹ. Cơm vừa đưa tới tận miệng thì do lòng tham vẫn còn nhiều trong bà Thanh Đề nên tay phải bóc ăn tay trái che lại sợ các loài quỷ đói khác cướp lấy của bà. Không may, cơm chưa đến miệng biến thành lửa đỏ, bà phải chịu muôn phần thảm thương.
Không cầm lòng được trước cảnh ấy, ngài Mục Kiền Liên liền cầu cứu lên Phật tổ, Phật liền dạy rằng dù ông có thần thông quảng đại tới đâu cũng không thể cứu được mẹ ông. Cách duy nhất là nhờ sức lực của 10 phương Tăng, lập trai đàn, cúng dường chư Tăng, nhờ nguyện lực của chư Tăng mười phương mà cứu mẹ ngài. Và ngày rằm tháng bảy chính là ngày thích hợp để thỉnh chư Tăng sắm sửa lễ cúng dường Tam Bảo để hồi hướng công đức cho người thân. Từ đó,lễ Vu Lan ra đời để những ngưởi con tỏ lòng thành kính với các đấng sinh thành.
Rằm tháng Bảy còn có lễ cúng cô hồn
Lễ cúng cô hồn hay xá tội vong nhân được tổ chức ngày Rằm tháng Bảy là một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian, có ý nghĩa hoàn toàn khác với ngày lễ Vu Lan được diễn ra trong tháng.
Ở nước ta, cúng cô hồn tháng 7 là một tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời, lễ cúng này dành cho các vong hồn ngạ quỷ vất vưởng ở ngoài đường hoặc được mở cửa ngục trở về thăm gia đình, có cơ hội điều kiện thọ dụng các vật phẩm cúng kiếng của người trần gian.
Theo truyền thuyết, vào ngày 2 – 14/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ ra lệnh mở cửa cho các linh hồn được đi lại tự do. Lễ cúng cô hồn nên thực hiện từ mùng 2 cho tới trước 12 giờ trưa ngày 15 tháng 7.
Thông thường, các gia chủ thường làm lễ cúng cô hồn vào buổi chiều tối từ 5g chiều đến 7g tối vì thời điểm này ánh mặt trời yếu nhất nên các loài ngạ quỷ mới có thể tụ hội mà thọ dụng vật phẩm. Còn ban ngày ánh sáng cực mạnh nên các vong hồn thả ra còn yếu, các cô hồn không dám đến mâm cúng.
Mâm lễ cúng cô hồn rằm tháng Bảy bao gồm:
– Muối, gạo (1 dĩa).
– Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.
– 12 cục đường thẻ.
– Giấy áo, giấy tiền (có thể là tiền thật nhưng là mệnh giá nhỏ) .
– Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15 cm).
– Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
– Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
– Hoa, quả 5 loại 5 màu (ngũ sắc).
– Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Cúng cô hồn rằm tháng Bảy thường được thực hiện từ mùng 2 âm lịch tới trước 12 giờ trưa ngày 15/7 âm lịch. Nhiều người quan niệm rằng Rằm tháng Bảy sẽ có nhiều vong linh lang thang khi cúng thì các cụ sẽ không thể nhận được đồ của con cháu cúng tế, do vong hồn đã nhận hết. Do đó, người dân thường sẽ cúng Rằm tháng 7 trước, bắt đầu từ ngày 2/7 Âm lịch.
Bên cạnh đó, tháng 7 âm lịch cũng là tháng có lễ Vu Lan nên bạn cần tiến hành làm lễ cúng Phật, cúng thần linh, gia tiên trước khi làm lễ cúng cô hồn. Và lễ cúng cô hồn thường được tiến hành theo những quan niệm dân gian như trên.