Mẹo an toàn nhà bếp tối thiểu chị em nội trợ cần ghi nhớ. Khu vực bếp là nơi thường xuyên xảy ra nhiều tai nạn từ bỏng, nhiễm khuẩn, chấn thương cho đến cháy nổ. Chính vì vậy, người nội trợ, nấu nướng trong gia đình cần nắm rõ một số nguyên tắc, mẹo cơ bản giúp hạn chế tối đa các rủi ro trên có thể xảy ra. Cùng Nam Long điểm qua một vài mẹo an toàn nhà bếp cơ bản sau.

1/ Sử dụng nắp vung lưới chống dầu mỡ

Dầu mỡ bắn tứ tung khi chiên, rán là nỗi ám ảnh của nhiều chị em nội trợ. Tuy nhiên, ngày nay chị em có thể xóa tan nỗi ám ảnh này cũng như giảm thiểu nguy cơ bị bỏng bằng cách sử dụng nắp vung lưới chống dầu mỡ. Hiện tại loại nắp này có bày bán khá nhiều trên thị trường, chị em có thể tham khảo. 

Sử dụng nắp vung lưới chống dầu mỡ

Ngoài ra, nếu không trang bị được nắp, chị em có thể nắm một vài quy tắc giúp giảm thiểu tình trạng dầu ăn bắn tung tóe như:

  • Để chảo thật khô và nóng trước khi cho dầu vào.

  • Tránh để thực phẩm chiên bị ướt, chị em có thể dùng khăn sạch lau khô thực phẩm hoặc để chúng thật ráo.

  • Thêm muối vào dầu chiên cũng là cách giúp giảm dầu bắn tung tóe.

  • Chọn các chảo có lòng sâu hơn cũng giúp giảm dầu bắn tung tóe.

  • Dầu sôi vừa thì hãy cho thực phẩm vào, không nên để dầu sôi quá lớn.

2/ Thay hoặc làm sạch khăn lau nhà bếp thường xuyên

Đối với tất cả các loại khăn gồm khăn lau tay, khăn lau chén bát… chị em đều cần chú ý thay hoặc giặt sạch phơi khô thường xuyên. Tuyệt đối tránh tình trạng khăn luôn ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi và phát triển. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được nguy cơ khăn bẩn vi khuẩn hoặc bụi từ khăn lây lan sang thực phẩm, chén bát.

Thay hoặc làm sạch khăn lau nhà bếp thường xuyên

3/ Dao, kéo, đồ sắc nhọn cần để trong tủ có ngăn kéo

Để giảm thiểu các tai nạn do vật sắc nhọn, tốt nhất trong căn bếp nên có một ngăn tủ để đựng dao, kéo cũng như toàn bộ vật sắc nhọn, nhất là khi nhà có trẻ em. Lưu ý với mẹo an toàn nhà bếp này là tủ đựng dao kéo nên để ở nơi vừa tầm với, tránh để quá cao dễ gây nguy hiểm.

4/ Để tay cầm nồi về hướng sau bếp

Mẹo an toàn nhà bếp có khi xuất phát từ một thói quen nhỏ đó là để tay cầm nồi về hướng sau bếp. Đây là một mẹo nhỏ vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi gia đình có con nhỏ, nhưng lại không được nhiều chị em để ý. Khi xoay tay cầm nồi vào hướng sau bếp, tuy việc cầm hơi khó khăn nhưng sẽ giúp bạn tránh được tình trạng bỏng khi trẻ em vô tình chạm phải. Ngoài ra, chị em cũng lưu ý, khi nấu nướng không nên cho trẻ nhỏ vào khu vực nhà bếp để đảm bảo an toàn.

5/ Đừng quên trang bị bình chữa cháy trong nhà bếp

Nhà bếp là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ nhưng đa phần các hộ gia đình đều không để ý trang bị bình chữa cháy trong nhà bếp, điều này vô tình dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Do đó, nếu được hãy cố gắng trang bị bình chữa cháy trong nhà bếp nhé.

6/ Đừng rời khỏi nhà bếp khi đang nấu nướng

Đang nấu nướng nhưng làm việc nhà quên mất hoặc chạy ra nghe điện thoại trong thời gian lâu hoặc ra ngoài mua đồ… là tình trạng nguy hiểm đáng báo động mà nhiều chị em đang gặp phải hiện nay, dễ gây ra cháy nổ. Chính vì vậy, khi nấu nướng, tốt nhất chị em không nên rời khỏi nhà bếp, nếu cần hãy chú ý tắt bếp trước khi đi.

7/ Nếu nhà có trẻ em

Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ, bên cạnh việc chú ý để dao, kéo, vật sắc nhọn hay nhắc nhở chúng không được vào nhà bếp thì cũng đừng quên khóa ngăn kéo đựng vật sắc nhọn hoặc những thứ nguy hiểm mà chúng không nên đụng vào.

8/ Cẩn thận khi lựa chọn bếp ga

Bếp ga là một trong những mối nguy hiểm gây ra nhiều vụ cháy nổ trong suốt thời gian vừa qua. Để an toàn nhiều gia đình lựa chọn bếp điện hoặc bếp từ, bếp hồng ngoại. Thế nhưng, nếu gia đình bạn đã và đang xài bếp ga thì cần chú ý, khi có yếu tố rò rỉ ga cần báo ngay cho đơn vị cung cấp ga để tiến hành sửa chữa. Không nên lựa chọn bếp ga dạng mini vì bình ga mini không thực sự đảm bảo an toàn.

9/ Luôn rửa tay khi nấu nướng

Bên cạnh các nguyên tắc trên thì đây gần như là lưu ý được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trên các mặt báo, các phong trào an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sự thật thì không nhiều người tuân thủ. Chính thói quen chủ quan này khiến nhiều người nhập viện vì thực phẩm nhiễm bẩn.

Do đó, hãy cố gắng duy trì thói quen rửa tay trước và sau khi nấu nướng, chế biến thực phẩm. Ngoài việc rửa tay, để đảm bảo vệ sinh, chị em cũng đừng quên đeo găng tay khi chế biến một số thực phẩm như cá, hải sản.

Nhà bếp là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ về an toàn sức khỏe mà còn là rủi ro lao động. Chính vì vậy, tốt nhất chị em cần trang bị cho mình những kiến thức, mẹo vặt để giúp quá trình nấu nướng diễn ra an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Hy vọng với những chia sẻ trên đã phần nào giúp các chị em có thêm kinh nghiệm nấu nướng nhà bếp an toàn.

>>> Tham khảo thêm: 9 mẹo làm sạch nhà bếp không tốn thời gian